CÂU CHUYỆN LỚP TÔI TRỒNG RAU

Thứ năm - 14/11/2019 01:53
LỚP TÔI TRỒNG RAU
          Chuyện trồng rau, chăm sóc vườn cây với các bạn học sinh vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa có lẽ chẳng phải là chuyện gì ghê gớm lắm mặc dù cũng không phải là một việc quá dễ dàng. Còn, việc ấy, với chúng tôi - những học sinh thành phố, trong đó có học sinh của Trường THCS Trần Can, nhất là các bạn lớp 9A3 thì quả là "một sự kiện". Nhìn những luống rau xanh tốt hôm nay, chúng tôi lại nhớ về những ngày đầu đầy gian nan và thử thách.
          Ngay khi năm học vừa bắt đầu một thời gian ngắn, trong một buổi sinh hoạt lớp, chúng tôi được cô chủ nhiệm thông báo: nhà trường giao cho các em học sinh khối 9 chăm sóc "vườn cây học tập". Lớp 9A3 nhận phần đất giáp phía sân thể dục.
Thú thật là khi nghe thông tin đó, không riêng gì tôi mà tất cả các bạn đều chẳng có hứng thú gì. Tôi chỉ nhớ câu cuối cùng cô chủ nhiệm dặn dò lớp trong tiết sinh hoạt hôm đó: ngày mai chủ nhật, cả lớp mình đi lao động.
          Thế đó, dù không muốn, chúng tôi vẫn phải đi lao động, làm vườn rau. 7h30', cả lớp tôi 27 thành viên đã có mặt đông đủ. Nhìn khu đất nhà trường giao cho với rất nhiều cỏ mọc lởm chởm, chúng tôi đứa nào mặt cũng buồn thiu. Thằng Mạnh ''còi" đang đứng phía ngoài, chen các bạn, đứng cạnh cô giáo chủ nhiệm, nói to:
          - Cô ơi, đất này không làm ăn được gì đâu cô ạ. Cô xin trả lại nhà trường thôi!
Thằng Hiếu "béo" cũng góp thêm:
          - Mọi năm, các cô giáo cũng trồng rau, nhưng không được ăn đâu cô ạ, toàn bị mất trộm thôi.
Tiếng cô nhỏ nhẹ như lời động viên học sinh của mình:
          - Sao lại không làm ăn được gì? Sao lại xin trả lại? "Tấc đất tấc vàng" cơ mà các em. Hơn nữa, cô thấy đất này tốt lắm đấy! Các em thấy không, cỏ tốt thế cơ mà. Cỏ mà tốt thì nghĩa là đất tốt. Mình trồng nhiều thế này, trộm có lấy cũng không hết được (cô cười).
          Miệng cô nói, tay cô làm. Thế là cả lớp không ai bảo ai, người nào việc nấy. Đứa thì cắt cỏ. Đứa cuốc đất. Đứa nhặt những hòn gạch nhỏ...Tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa nhau rộn cả một góc vườn trường. Gần hết buổi sáng, những luổng rau thẳng tắp đã được đánh luống xong. Một buổi lao động mệt mà vui. Trong buổi lao động đó, bạn Long, bạn Tuấn, bạn Hiếu là những "bác nông dân" tích cực nhất. Không có các bạn, có lẽ buổi lao động chưa thể kết thúc được.
          Luống rau lên xong rồi, lại đến chuyện chọn rau gì để gieo, trồng. Cả lớp lại bàn tán xôn xao. Cái Trang hớn hở góp ý kiến: nhà em có rất nhiều cây cà chua, em sẽ mang đến trồng. Còn Mai "còi" xung phong mang rau ngót, rau muống đến trồng...
Sau rất nhiều ý kiến khác nhau, ai cũng kiên quyết mang loại cây mà mình thích đến để trồng. Cô chủ nhiệm ôn tồn giảng giải: trồng rau gì hay loại cây nào cần phải phù hợp với thời tiết, loại đất các em ạ. Với loại đất thịt, ít tơi xốp như đất chúng mình vừa làm đây và vào mùa này, chỉ cây rau cải là sẽ phát triển tốt. Hơn nữa, rau cải là giống rau ngắn ngày, trồng nhanh được thu hoạch. Sau khi gieo, nếu chúng ta chăm sóc tốt, chỉ khoảng 20 ngày là ta được một lứa rau. Rau cải không kén đất và ít phải tưới. Công chăm sóc chỉ bằng hai phần ba các loại rau khác. Cả lớp tròn mắt nhìn cô vẻ thán phục. Cô vừa dứt lời, cả lớp đã đồng thanh: Cô ơi, trồng rau cải ạ.
          Việc làm đất và lựa chọn giống rau coi như xong. Bây giờ đến khâu chăm sóc. Riêng khâu này, chúng tôi đã cắt cử nhau, đâu vào đấy cả rồi. Cách mỗi buổi chiều, mỗi tổ cử 2 bạn sau khi học xong, ở lại tưới rau. Các bạn đều nhất trí.
 
          Thời gian qua đi, đúng như lời cô nói, khoảng 20 ngày sau, lứa rau cải đầu tiên của chúng tôi sắp được thu hoạch. Hầu như sáng nào, dù không phải trực nhật hay làm gì khác, rất nhiều đứa trong lớp tôi vẫn cố tình đi học sớm hơn mọi khi, chúng nó bảo chẳng vì để làm gì cả, chì vì muốn ngắm vườn rau của lớp vào buổi sáng. Một màu xanh mướt. Ôi!Đẹp quá! Thích quá! Đời học sinh, cho đến bây giờ mình mới được hưởng cái cảm giác sung sướng này. Đúng là sức mạnh kì diệu của đôi bàn tay lao động, "có sức người sỏi đá cũng thành cơm".
          Khi nhổ rau bán, khách hàng chính là các thầy cô giáo trong trường và một số phụ huynh của lớp. Rau nhổ đến đâu, bán hết đến đó, thậm chí còn không đủ bán. Cả lớp phấn khởi. Chúng tôi chợt nhận ra, từ khi nhận chăm sóc "vườn cây học tập", trồng rau, lớp tôi trở nên "ngoan hơn", học hành tiến bộ hơn vì cô chủ nhiệm đã giao hẹn cứ học sinh nào bị ghi sổ đầu bài hoặc bị nhắc nhở nhiều lần trong giờ học sẽ bị phạt lấy phân cho vào vườn rau. Có thầy cô giáo trong trường đã hỏi rằng lớp 9A3 bây giờ có xin trả lại đất, trả lại "vườn cây học tập" cho nhà trường không để các cô còn xin thì các bạn đã trả lời thật to và dõng dạc: chúng em không ạ!
          Cho đến bây giờ, lớp tôi đã trồng và bán được rất nhiều lứa rau, nguồn quỹ lớp từ tiền bán rau cũng đã lên đến gần triệu, nhưng chúng tôi không có ý khoe khoang về chút giá trị vật chất đó mà điều chúng tôi muốn nói ấy là những bài học tinh thần, bài học cuộc sống, việc rèn kĩ năng sống từ việc trồng rau đó. Có nhiều bạn từ chỗ không nhận biết được loại rau gì với rau gì, giờ đây đã biết rành mạch một số loại rau. Có những bạn trước đây còn lúng túng khi bố mẹ đề nghị nhặt giúp rau để nấu ăn thì giờ đây đã thành thaọ hơn sau nhiều lần được cô chủ nhiệm hướng dẫn nhặt rau bán. Một số bạn chưa bao giờ đụng đến cái cuốc, thậm chí không biết cầm cuốc như thế nào thì giờ đây những chuyện đó là chuyện nhỏ...Từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch rau, chúng tôi nhận thấy để kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng. Chúng tôi càng  trân quý những đồng tiền mà bố mẹ mình làm ra, cho mình tiền đóng học và biết chi tiêu hợp lí hơn vì mỗi đồng tiền đều là mồ hôi nước mắt, chắt chiu dành dụm mới có được...
          Thế đấy. Câu chuyện lớp tôi trồng rau là như thế đấy. Xin được kế lại cho các bạn cùng nghe. Năm nay là năm cuối cùng chúng tôi được học dưới mái trường THCS Trần Can, nhưng những lời dạy bảo của thầy cô, hình ảnh về những luống rau của lớp tôi sẽ còn theo và ở bên chúng tôi mãi mãi. Bằng chứng là khi cô giáo cho đề văn: "Hãy tưởng tượng hai mươi năm sau em có dịp về thăm trường cũ. Hãy kể lại những kỉ niệm về chuyến thăm đó.", 27 thành viên lớp tôi không ai bảo ai, mỗi người đều đưa kỉ niệm được trở lại thăm trường và ra thăm vườn rau năm xưa vào trong bài viết của mình. Thật vui, thật đáng nhớ và thật tự hào - LỚP 9A3 TRƯỜNG THCS TRẦN CAN.
 

Tác giả: HS Nguyễn Yến Nhi lớp 9A3

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây